Các lỗi khi làm bánh Macaron và cách khắc phục
Các lỗi khi làm bánh Macaron và cách khắc phục

Các lỗi khi làm bánh Macaron và cách khắc phục

Bạn gặp phải một số lỗi khi làm bánh Macaron mà không biết cách xử lý ra sao? Vậy hãy cùng chuyên mục Kiến thức bổ ích của Anny tìm hiểu toàn bộ các lỗi thường gặp và cách khắc phục khi làm bánh Macaron như thế nào nhé!

1. Macaron là gì?

– Macaron là loại bánh nổi tiếng của Pháp, có hình dạng trông giống như chiếc bánh hamburger, nhưng lại có kích thước nhỏ nhắn với nhiều màu sắc bắt mắt, trông rất thú vị.

– Đây là loại bánh ngọt rất được ưa chuộng hiện nay, Macaron được tạo nên bởi hai miếng bánh – mỏng úp lại với nhau, cùng với phần nhân bên trong dẻo và có nhiều hương vị đặc trưng như chanh, dâu, quế, cam,…

bánh macaron

2. Các lỗi thường gặp khi làm bánh Macaron

Khi làm bánh Macaron, bạn có thể gặp phải một số lỗi phổ biến như sau:

a. Trứng đánh mãi không bông

– Trứng đánh không bông là do bạn sơ ý làm cho lòng trắng trứng bị dính chất béo (như bơ, dầu mỡ) hoặc thậm chí là bị lẫn ít lòng đỏ vào trong đó. Ngoài ra, có thể dụng cụ đánh trứng không được vệ sinh sạch sẽ, hoặc cũng để bị dính chất béo.

Cách khắc phục: Hãy tách lòng trắng cẩn thận và đựng vào chén sạch, đồng thời cần vệ sinh dụng cụ đánh trứng sạch sẽ.

đánh trứng mãi không bông

b. Hỗn hợp quá lỏng sau khi trộn

– Khi bạn trộn bột quá tay, sẽ làm nhiều bọt khí bị vỡ, dẫn đến hỗn hợp trở nên quá lỏng.

Cách khắc phục: Hãy trộn bột theo đúng kĩ thuật với thời lượng vừa đủ.

hỗn hợp quá lỏng sau khi trộn

C. Bắt bánh không chảy thành hình tròn (không bằng nhau)

– Việc bắt bột bánh không chảy hình tròn, hoặc kích thước không đều nhau là do bạn cắt miệng túi và bắt bánh theo hình thức thủ công mà không sử dụng đui. Ngoài ra, khi hỗn hợp quá lỏng cũng trở thành nguyên nhân làm cho bánh bị chảy tràn ra, không có hình dạng.

Cách khắc phục: Hãy dùng thử gắn đui tròn và bắt bánh, bạn sẽ khắc phục được tình trạng này. Đồng thời nên pha bột theo đúng công thức và trộn bột theo đúng kĩ thuật, bạn nhé!

bắt bánh không chảy thành hình tròn

d. Bánh không mất chóp sau khi bắt

– Vì trộn bột chưa đủ thời gian nên các nguyên liệu chưa hòa nguyện vào nhau, làm cho hỗn hợp vẫn còn đặc. Đó là nguyên nhân làm cho bánh không bị mất chóp khi bắt bánh trên khay nướng.

Cách khắc phục: Hãy trộn bột theo đúng kĩ thuật với thời gian vừa phải.

bánh không mất chóp sau khi bắt

e. Macaron không có chân

– Bánh Macaron không có chân là do bạn điều chỉnh nhiệt độ trong lò quá nóng, làm cho bánh được nướng chín quá nhanh mà chưa kịp lên chân.

Cách khắc phục: Hãy giảm bớt nhiệt độ lò nướng sao cho phù hợp.

Macaron không có chân

f. Chân không đều hoặc bị choãi ra

– Khi bạn cho lượng đường quá nhiều, vô tình làm cho vỏ bánh bị lỗi – cũng là nguyên nhân làm cho Macaron có chân không đều, hay bị choãi ra như hình nón.

Cách khắc phục: Hãy giảm bớt lượng đường cho vào hỗn hợp bánh, bạn có thể nghĩ đến việc dùng cùng với đường icing (loại đường kính trắng có pha bột bắp).

chân không đều hoặc bị choãi ra

g. Ruột rỗng

– Nguyên nhân khiến cho Macaron bị ruột rỗng có rất nhiều, phổ biến nhất là nguyên nhân nằm ở khâu đánh trứng hoặc trộn bột chưa đúng kĩ thuật, làm xuất hiện nhiều bọt khí trong bánh. Vì thế, khi bạn đem chúng nướng, bánh sẽ nở vồng quá cao gây ra lỗ hỏng lớn.

– Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân khác, đó là do bạn quên chưa đập khay bánh (để những bọt khí trong bánh biến mất đi). Bọt khí chính là nguyên nhân gây ra khe hỏng trong quá trình nướng, dẫn đến vỏ bánh bị mỏng đi và dễ bị vỡ khi chạm nhẹ vào.

Cách khắc phục: Hãy chú ý đến việc đánh trứng và trộn bộn đúng cách, đồng thời nên đập khay bánh nhẹ vài lần trước khi nướng.

ruột rỗng

i. Bánh dính vào khay nướng

– Trường hợp bánh dính vào khay nướng, cũng là lỗi rất phổ biến khi nướng bánh Macaron. Nếu bạn dùng khuôn quá dày hoặc nướng bánh dưới lửa quá thấp (nhỏ), dù bánh được nướng đủ thời gian, thì vẫn bị dính vào khay nướng, hay bị ẩm ướt, rất khó lấy ra.

Cách khắc phục: Hãy chọn khuôn bánh có độ dày vừa phải, để khi nướng bánh tránh bị cháy mặt dưới. Đồng thời, bạn nên lót thêm giấy nến phía dưới bánh và điều chỉnh lại nhiệt độ lò cho phù hợp.

bánh dính vào khay nướng

k. Bánh chuyển màu nâu đen

– Macaron không giữ được màu sắc như ban đầu, thậm chí là chuyển sang màu nâu đen hoặc ngả vàng, đó là do bạn nướng với nhiệt độ quá cao.

Cách khắc phục: Hãy hạ bớt và điều chỉnh lại nhiệt độ lò cho phù hợp.

bánh chuyển màu nâu đen

l. Bánh bị thấm dầu, ướt

– Bánh bị thấm dầu, hoặc bị ướt là do bột hạnh nhân không có khô ráo (bị ẩm hoặc bị bết dầu).

Cách khắc phục: Hãy kiểm tra kĩ bột hạnh nhân trước khi dùng, cần phải khô ráo, tơi và thật mịn.

bánh bị thấm dầu ướt

m. Bánh quá khô (hoặc quá giòn) sau khi nướng

– Trường hợp này là có thể do bạn cho lượng bột hạnh nhân quá dư so với công thức, nên bánh xuất hiện các vết nứt như bánh cookies vậy, thậm chí cũng là nguyên nhân làm cho bánh không có chân.

Cách khắc phục: Hãy giảm bớt lượng hạnh nhân khi làm vỏ bánh.

bánh khô sau khi nướng

n. Vỏ bánh quá mềm

– Nếu nướng bánh dưới nhiệt độ thấp (lửa quá nhỏ), thì ruột bánh sẽ chưa kịp chín, làm cho vỏ bánh bị mềm, ướt, có hiện tượng trũng xuống.

Cách khắc phục: Hãy điều chỉnh lại nhiệt độ của lò nướng và đặt khay bánh vào giữa rãnh lò để hấp thụ nhiệt toàn diện.

vỏ bánh quá mềm

o. Mặt bánh bị nhăn, không mịn

Mặt bánh Macaron xuất hiện các vết nhăn, trông không được mịn, là do bạn dùng lòng trắng trứng hơi nhiều, nên khi nướng bánh sẽ xuất hiện một lớp màng mỏng. Lúc lấy bánh ra, lớp màng đó sẽ bị nhăn nhúm lại.

Cách khắc phục: Hãy làm đúng theo công thức, sử dụng lượng lòng trắng trứng vừa đủ, đừng thêm bớt nhé!

bánh bị nhăn không mịn

p. Vỏ bánh bị nứt

– Nguyên nhân làm cho vỏ bánh Macaron bị nứt, là do trong quá trình trộn bột, bạn đã kéo dài thời gian trộn bột quá lâu, làm cho bột bị lỏng, vỡ bọt khí. Vì thế, khi nướng, vỏ bánh dễ bị nứt trên bề mặt.

Cách khắc phục: Hãy thao tác trộn bột đúng cách, như lấy thìa múc bột lên và cho bột chảy xuống như dải ruy băng vài lần là được.

vỏ bánh bị nứt

q. Bánh phồng cao rồi xẹp

– Bánh Macaron bị phồng cao rồi xẹp là do sự chênh lệnh nhiệt độ của lò khi bạn cho bánh vào nướng.

Cách khắc phục: Hãy bật lò nướng trước khoảng 5 – 10 phút ở 140 độ C, sau đó cho khay bánh vào nướng ở nhiệt độ 135 độ C. Tiếp đó, khi bạn trông thấy chân bánh đã cao (khoảng 5 – 6 phút), thì hãy giảm nhiệt độ xuống còn 130 độ C và nướng thêm tầm khoảng 6 phút nữa. (Trong thời gian nướng, hạn chế mở lò thường xuyên ra kiểm tra, để tránh nhiệt độ lò nướng bị thay đổi đột ngột.)

bánh phồng cao rồi xẹp

3. Những lưu ý khi làm bánh Macaron

Để tránh bánh bị lỗi sau khi làm, Anny sẽ tổng hợp một số điều cần lưu ý cho bạn khi làm bánh Macaron như sau:

– Mỗi công thức bánh Macaron sẽ được cài đặt nhiệt độ và cách đặt vị trí khay nướng khác nhau, bạn nên tham khảo các thông số, kĩ thuật này trước khi làm.

– Cần hiểu nhiệt độ lò nướng của bạn, để điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng sao cho phù hợp.

– Kiểm tra bánh nhanh chóng, tránh mở cửa lò nướng quá lâu vì làm ảnh hướng đến chất lượng bánh do chênh lệnh nhiệt độ trong lò.

– Nên cho màu thực phẩm pha vào bánh ở dạng bột hoặc gel, hạn chế dùng màu nước hay sirup tạo màu vì dễ gây lỏng hỗn hợp.

– Nên dùng đường bột (đường xay, đường tuyết), không nên dùng đường hạt.

– Nên xay kĩ bột hạnh nhân và đường bột, cần rây thêm lại 2 – 3 lần để làm cho mặt bánh nhẵn mịn và không bị bết dầu.

– Đặt lòng trắng trứng ở nhiệt độ phòng.

Những lưu ý khi làm bánh Macaron 2

– Lòng trắng trứng cần phải sạch, không dính chất béo như dầu mỡ, bơ và thậm chí lòng đỏ. Đồng thời, que đánh trứng và âu đánh trứng cũng cần phải sạch. Nếu không sạch, bạn khó đánh lòng trắng trứng bông lên được.

– Cần trộn bột theo phương pháp fold-in, nghĩa là xúc và đảo bột từ dưới lên, sẽ giúp cho nguyên liệu được trộn đều và tránh được bọt khí trong lòng trắng trứng bị vỡ.

– Chú ý đến kĩ thuật trộn bột, không trộn bột quá ít hoặc quá nhiều.

– Nên bật lò nướng trước từ 10 đến 15 phút, để làm nóng lò.

Những lưu ý khi làm bánh Macaron 3

– Tránh nướng bánh ở nhiệt độ cao vì sẽ làm cho bánh dễ bị nứt hoặc bị cháy, hoặc nhiệt độ quá thấp (kéo dài thời gian nướng) thì sẽ làm cho vỏ bánh bị dày, cứng và giòn, thậm chí bên trong bánh còn chưa chín.

– Trong thời gian nướng, 13 – 15 phút đầu, không nên mở cửa lò nướng ra kiểm tra, vì sẽ dễ làm cho ruột bánh bị rỗng.

– Sau khi nướng bánh xong, nên để nguội trên khay khoảng 5 – 10 phút trước khi lấy bánh ra, để tránh bị dính trên khay.

– Bảo quản bánh trong hộp đựng thực phẩm kín, hoặc túi kín, đặt vào ngăn mát tủ lạnh để dùng ngon hơn, thời gian bảo quản lên đến 36 – 48 tiếng.

Những lưu ý khi làm bánh Macaron 4
macaron màu sắc
bánh macaron

*Tham khảo thông tin tổng hợp từ: kenghienbep.com và beemart.vn.

Chúc cả nhà thành công.

Giỏ hàng (0 items)

Không có hàng trong giỏ