Cách làm bánh mì mật ong nguyên cám dinh dưỡng tốt cho sức khỏe
Cách làm bánh mì mật ong nguyên cám dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Cách làm bánh mì mật ong nguyên cám dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Bánh mì nguyên cám vốn dĩ mà món bánh mà được các bạn có chế độ ăn healthy luôn cân nhắc lựa chọn, bởi không chỉ độ thơm ngon, mà chiếc bánh mì này còn đầy đủ chất dính dưỡng nữa đấy. Bánh mì nguyên cám chỉ cần ăn không với chút xíu bơ thôi cũng ngon rồi do trong mỗi miếng bánh đều cảm nhận được rất rõ vị ngọt, vị thơm nguyên chất của bột mì. Thêm nữa là bánh mì nguyên cám ngoài việc tốt cho sức khỏe thì còn tốt hơn cho cân nặng và lượng đường trong máu nữa. Nên với những ai nghiện bánh mì thì đây hẳn là một giải pháp tốt. Trong bài viết dưới đây, anny muốn giới thiệu đến bạn công thức làm bánh mì mật ong nguyên cám 50%, dành cho những bạn không có máy làm bánh mì. Hãy cùng anny vào bếp và thực hiện ngay món bánh này nhé!!!

A. Nguyên liệu làm bánh mì nguyên cám mật ong

Bột mì số 11 150g;

Bột mì nguyên cám 150g;

Sữa bột 10g;

– Muối 5g;

Men nở instant 5g;

– Mật ong 35g;

– Nước 200 – 220ml;

Bơ lạt 20g;

– Hạt chia hoặc hạt vừng 20g.

B. Các bước làm bánh mì nguyên cám mật ong

– Bước 1: Đầu tiên, bạn cho bột bánh mì, bột mì nguyên cám, sữa bột và muối vào âu. Nếu dùng đường thay cho mật ong thì cho cả đường luôn. Trộn đều.

– Bước 2: Khi hỗn hợp đã trộn đều vào nhau, bạn tiếp tục cho men vào âu, tô trên để trộn đều. (Vì mình dùng men instant nên không cần phải kích hoạt. )

– Bước 3: Vét một lỗ trống ở giữa âu bột. Cho mật ong và nước vào. Dùng thìa gỗ hoặc thìa cứng quấy từ trong ra ngoài. Và Trộn đều tới khi các nguyên liệu hòa quyện thành một khối lổn nhổn.

– Bước 4: Dùng khăn ẩm hoặc nilon đậy kín âu, để bột nghỉ trong khoảng 20 phút. Việc để bột nghỉ này sẽ giúp hình thành sợi gluten, làm cho khối bột bớt ướt hơn, nhồi bằng tay sẽ dễ hơn.

– Bước 5: Sau 20 phút nghỉ, bắt đầu nhồi bột. Các bạn có thể nhồi tay nhưng nếu có máy trộn thì nên dùng máy do bột sẽ hơi ướt và dính nên nhồi bằng máy sẽ đỡ vất vả hơn. (Nếu nhồi máy thì nên dùng máy có công suất tối thiểu khoảng 300 W. Bắt đầu ở tốc độ chậm, nhồi trong 3 – 5 phút để bột mịn hơn mới tăng lên tốc độ vừa.)

Khi bột đạt như hình thì mình tăng tốc độ lên mức 3/5 và nhồi thêm 5 – 7 phút nữa thì khối bột mịn và dẻo dai hơn khá nhiều như hình dưới. Sợi gluten đã khỏe hơn, bột có thể kéo dãn được khá dễ.

– Bước 6: Khi bột đã đạt thì cho 20 gram bơ vào nhồi cùng. Vì bơ có thể làm đứt sợi gluten nên cho vào sau, khi gluten đã tương đối khỏe sẽ tốt hơn. Nhồi thêm khoảng 5 – 7 phút nữa ở tốc độ chậm, tới khi bột chuyển thành một khối rất mịn, đàn hồi và dẻo dai, có thể kéo dãn thành màng mỏng mà không bị rách như trong hình là đạt.

– Bước 7: Sau khi nhồi xong, tạo hình bột thành dạng khối tròn và có mặt mịn. Để vào âu, đậy khăn ẩm hoặc bọc ni lon kín.

– Bước 8: Ủ bột tới khi bột nở gấp đôi (thời gian ủ sẽ dao động tùy vào nhiệt độ ủ, nhiệt độ ấm áp khoảng 32 – 38 độ C thì bột sẽ nở nhanh, càng lạnh bột sẽ nở càng chậm).

– Bước 9: Khi bột đã được ủ đủ. Nhẹ nhàng ép cho hơi khí trong bột thoát bớt, nhồi sơ qua để giúp các sợi gluten trong bột được “thư giãn” và “hồi sức” sau khi ủ.

– Bước 10: Chuẩn bị khuôn. Nếu là khuôn không chống dính thì cần quét một lớp bơ mỏng lên thành khuôn để chống dính.

– Bước 11: Phủ một lớp bột áo mỏng lên mặt bàn. Dàn bột (nên dùng tay thay vì cán) thành miếng hình chữ nhật, để nghỉ 3 – 5 phút. Dàn bột tiếp thành hình chữ nhật (hoặc gần vuông) có một cạnh dài bằng với chiều dài của khuôn.

– Bước 12: Gấp bột và cuộn lại để tạo thành một khối bột dạng ổ. Sau đó đặt bột vào trong khuôn.

– Bước 13: Ủ bột lần thứ 2 tới khi bột nở khoảng 80 – 90%:

+ Nếu trời nóng, có thể đậy khuôn bằng khăn ẩm hoặc nilon và ủ ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, cần theo dõi, tránh để bột nở quá to và dính vào khăn/ nilon, khi kéo ra sẽ dễ làm bột xẹp.

+ Nếu trời lạnh, có thể ủ trong lò bằng cách bật lò ở 50 độ C trong khoảng 3 phút rồi tắt lò. Để khuôn vào lò kèm theo một cốc nước sôi. Xịt nước vào phần khoảng không trên khuôn rồi đóng cửa lò. Nước giúp giữ ẩm để mặt bánh không bị khô. Nhiệt trong lò cần dao động trong khoảng 32 – 38 độ C và không được nóng hơn vì sẽ làm yếu men hoặc chết men.

– Bước 14: Khi bột nở được khoảng 65 – 70 % thì làm nóng lò ở 180 độ C (hai lửa). Nếu ủ bánh trong lò thì cần lấy bánh ra.

– Bước 15: Khi lò đã đạt nhiệt độ cần thiết và bánh đã nở đủ, nhẹ nhàng quét nước lên mặt bánh và rắc vừng hoặc hạt chia nếu có. Vừng chín thơm và giòn giúp bánh thêm mùi vị. Hạt chia là một loại hạt có rất nhiều chất dinh dưỡng và ăn cũng vui miệng nên mình hay thêm hạt này vào bánh.

– Bước 16: Cho bánh vào lò. Xịt nước lên thành lò và khoảng không trong lò. Nướng bánh ở 180 độ C. Sau khoảng 20 phút thì quay ngược khuôn bánh (giúp bánh chín vàng đều), hạ nhiệt xuống 170 – 175 độ C, nướng thêm 15 – 20 phút nữa. Nếu mặt bánh sậm màu nhanh thì dùng giấy bạc che lên mặt bánh.

– Bước 17: Bánh chín lấy ra khỏi khuôn, để bánh nguội hẳn trên rack. Có thể quét thêm một lớp bơ mỏng hoặc kem tươi lên mặt bánh khi bánh còn ấm nóng để giúp bánh có mùi vị thơm ngon hơn. Cần đợi bánh nguội hẳn mới cắt. Nếu cắt khi bánh còn nóng thì phần ruột bánh sẽ dễ bị ướt và bết dính.

Bánh không ăn hết cần bọc kín, bảo quản ở nơi thoáng mát và dùng trong 2 ngày. Khi ăn có thể xịt nước quanh bánh và cho vào lò nướng ở 170 độ C trong 5 phút hoặc tới khi vỏ bánh giòn trở lại. Bánh sẽ có phần vỏ giòn thơm và ruột mềm. Tuy nhiên, không được nướng quá lâu và lặp lại việc này nhiều lần vì sẽ làm cho bánh bị khô.

anny chúc cả nhà thành công!!

Giỏ hàng (0 items)

Không có hàng trong giỏ