Không có hàng trong giỏ
Cách làm chè sương sa hạt lựu đơn giản giải nhiệt ngày nắng nóng
Cách làm chè sương sa hạt lựu đơn giản giải nhiệt ngày nắng nóng
So với trân châu, thường là những viên tròn trắng đục hay trong, có nhân dừa cứng thì làm hạt lựu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ đơn giản là củ năng bọc bởi bột năng và luộc chín thôi. Hoàn toàn không cần dùng đến sự khéo léo để làm nên em nó. Còn thạch giun, loại thạch dai giòn này thật ra cũng là một dạng trân châu, nên ngoài lá dứa thì bạn có thể đổi vị tùy thích như vị cà phê cũng hay hay và thơm lắm. Trời mùa hè nóng nực, mà làm một muỗng chè thơm thơm, dai dai, giòn sần sật hòa trong nước cốt dừa béo ngậy thì còn gì bằng nhỉ!. Hãy cùng anny vào bếp và khám phá cách làm chè sương sa hạt lựu này nhé!!!
A. Nguyên liệu làm chè sương sa hạt lựu
1. Nguyên liệu làm phần thạch giun xanh
– Bột năng 100g;
– Nước 120 – 130ml.
Nguyên liệu của món thạch “giun” này rất đơn giản, chỉ gồm bột năng và nước. Thường không có tỉ lệ cụ thể vì khi làm tùy điều kiện mà người làm sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
2. Nguyên liệu phần chè đậu xanh
– Đậu xanh khô đã xát vỏ 120g;
– Đường 50 – 70g.
– Chiết xuất lá dứa. (hoặc nước cốt vắt từ lá dứa)
3. Nguyên liệu phần thạch sương sáo và cốt dừa
– Nước cốt dừa 250ml;
– Đường tùy khẩu vị 15 – 20g;
– Lá nếp/ lá dứa tươi 2 – 3 cái;
– Bột thạch sương sáo trắng hoặc đen 25g;
– Nước để nấu thạch sương sáo 400ml;
– Đường 40 – 50g.
4. Nguyên liệu phần hạt lựu và các nguyên liệu khác
– Củ năng 200g;
– Bột năng 150g;
– Màu thực phẩm xanh, đỏ, vàng;
– Thạch giun xanh 1 phần;
– Đá bào 1 âu lớn.
B. Cách làm chè sương sa hạt lựu
1. Cách làm thạch giun xanh
– Bước 1: Đầu tiên, cho nước lá dứa vào nôi, và đun trên bếp đến khi nước lá dứa sôi. Sau khi sôi, bạn từ từ đổ nước lá dứa còn đang rất nóng vào bột năng. Đổ từng chút một, dùng thìa trộn đều rồi mới thêm nước vào.
– Bước 2: Trộn đến khi thấy bột bớt nguội và thành hỗn hợp dẻo, màu đục, thì cho thêm bột năng khô vào, tiếp tục dùng thìa trộn đều hỗn hợp. Trộn đều đến khi bột thành một khối dẻo, không dính tay.
– Bước 3: Phủ một lớp bột năng lên cây lăn bột và mặt phẳng cán bột. Sau đó đặt khối bột lên trên mặt phẳng cán, và dùng cây lăn bột cán thành một miếng dẹt khoảng 2 – 3mm. Dùng dao cắt bột thành những sợi dày khoảng 2mm.
– Bước 4: Chuẩn bị một nồi nước để luộc bột (bạn có thể sử dụng nước lá dứa cho màu sắc đẹp và thơm hơn. Và 1 bát nước sạch thả thêm vài viên đá lạnh.
– Bước 5: Tiếp đến, khi nồi nước đã sôi, thì bạn cho phần bột vào luộc ở lửa to, dùng đũa đảo nhẹ tay để bột không bị dính vào nhau. Sau khoảng 1 – 2,5 phút, khi bột chín và chuyển trong thì vớt bột ra, và cho vào bát nước đá. (Cho vào nước đá lạnh thì bộ sẽ giòn và dai hơn).
2. Cách làm chè đậu xanh
– Bước 1: Rửa đậu xanh cho sạch đất cát. Ngâm đậu với khoảng 300 ml nước sôi, để 2 giờ cho đậu nở mềm.
– Bước 2: Bắc nồi đậu lên bếp, đun lửa to. Khi nước sôi thì vớt bớt bọt và hạ lửa nhỏ. Để hé vung, nấu tới khi đậu chín mềm. Trong khi đun có thể đổ thêm nước sôi nếu thấy nước cạn quá nhiều. Nên giữ mực nước cao gấp hai lần đậu. Thi thoảng quấy đều để tránh đậu lắng xuống đáy nồi và bị cháy.
– Bước 3: Khi đậu đã chín rất mềm, dùng phới lồng hoặc nĩa quấy vòng tròn để đậu tơi, hòa trong nước. Nêm đường tới khi ngọt vừa ăn. Để nguội. Ta có chè đậu xanh đánh.
3. Cách làm phần thạch sương sáo và nước cốt dừa
– Bước 1: Chuẩn bị thạch sương sáo:
+ Hoà tan 1/2 gói bột thạch sương sáo (25 g) trong 400 ml nước. Để ngâm khoảng 15 – 20 phút. Bắc lên bếp nấu ở lửa to. Quấy liên tục.
+ Khi nước sôi và bột tan hết, nước chuyển trong thì tắt bếp. Nêm đường theo khẩu vị.
+ Đổ thạch vào khuôn hay hộp, để nguội rồi để ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 giờ tới khi thạch đông hoàn toàn.
– Bước 2: Cho nước cốt dừa vào nồi cùng đường theo khẩu vị, quấy đều, đun trên lửa vừa tới khi nước cốt dừa bắt đầu sôi thì bắc khỏi bếp. Rửa sạch lá nếp/ lá dứa, thắt nút, bỏ vào nồi nước. Để ng
4. Cách làm phần hạt lựu
– Bước 1: Chuẩn bị ba bát nước, mỗi bát pha vài giọt màu thực phẩm xanh, đỏ, vàng để ngâm củ năng. Bạn cũng có thể sử dụng nước ép từ các nguyên liệu tự nhiên như nước lá dứa (lá nếp) cho màu xanh lá cây, nước ép cà rốt cho màu vàng/ da cam, nước lá cẩm cho màu tím, nước củ dền cho màu đỏ…
– Bước 2: Tiếp đến, gọt vỏ củ năng, cắt thành cỡ hạt lựu nhỏ. Chia củ năng làm ba phần, ngâm vào các bát nước màu khoảng 45 đến 60 phút để “nhuộm” màu. Có thể pha thêm đường vào các bát nước này nếu muốn củ năng có vị ngọt.
– Bước 3: Đổ củ năng đã được nhuộm màu ra rổ, ở dưới rổ đặt bát hứng nước ngâm củ năng.
– Bước 4: Xóc cho củ năng ráo nước, cho vào bát to. Cho khoảng 1 đến 2 thìa canh/ tablespoon (10 – 15 g) bột năng khô, trộn đều để bột bám đều bên ngoài củ năng. Tiếp tục cho thêm bột, trộn cho bột bám đều. Lặp lại đến khi quanh củ năng có một lớp bột tương đối dày. Đổ củ năng ra rổ hay rá, xóc nhẹ để loại các vụn bột thừa.
– Bước 5: Đổ phần nước ngâm củ năng ở bước (3) vào nồi, thêm nước và thêm màu (nếu cần). Đun sôi nước này để luộc hạt lựu. Lưu ý: luộc riêng từng phần củ năng để không bị lẫn màu.
– Bước 6: Chuẩn bị một bát nước sạch, thả thêm vài viên đá lạnh để ngâm hạt lựu sau khi luộc.
– Bước 7: Khi nước trong nồi sôi thì cho củ năng vào luộc. Khi hạt lựu nổi lên, bột năng chín và tạo thành lớp trong suốt bao ngoài củ năng thì vớt ra, thả vào bát nước lạnh. Thời gian luộc bột rất ngắn, khoảng 1 đến 1.5 phút là đủ cho bột chín. Không nên luộc quá lâu, bột sẽ tan vào nước, lớp bao ngoài củ năng sẽ bị mỏng hơn. Làm tương tự với hai phần củ năng còn lại.
– Bước 8: Sau khi ngâm nước đá khoảng 15 phút thì vớt hạt lựu ra. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nên dùng sớm trong ngày.
– Bước 9: Cuối cùng. Cho đá bào vào cốc, thêm hạt lựu các màu, thạch sương sáo, chè đậu xanh, chan nước cốt dừa, dùng lạnh. Nếu thích, có thể làm thêm “thạch giun xanh” đã chuẩn bị ở phần 1 và thưởng thức thôi nào.
Món chè thơm ngon, dai dai, giòn giòn, bùi bùi, ngọt thanh hòa quyện với nhau tạo nên một bản hòa tấu vang trong miệng, ăn vào tiết trời nắng nóng này thì còn gì bằng bạn nhỉ! Hãy nhanh nhanh vào bếp và thực hiện ngay món chè này nhé!!!
anny chúc cả nhà thành công!!!